Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non
Để thực hiện tốt Chủ đề năm học Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm gắn kết với việc nâng cao chất lượng thực hiện Chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Sở GDĐT đã chủ động chuẩn bị các điều kiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Đảm bảo nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp theo quy định. Đến nay, 100% giáo viên thực hiện tốt việc khai thác sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến hiệu quả, đúng quy định; ứng dụng các phương tiện, kĩ thuật, công nghệ để xây dựng vi deo bài giảng để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ và phối hợp với cha mẹ trẻ chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà phù hợp với điều kiện của gia đình thông; 100% giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ theo hướng tương tác với phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”.
Thực hiện công tác bảo đảm an toàn, phòng chống bạo lực học đường, tổ chức ăn bán trú, giáo dục an toàn giao thông, lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống tai nạn thương tích vào chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ; phối hợp với ngành Y tế địa phương trong việc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm các yêu cầu, điều kiện về trang thiết bị trong phòng chống dịch bệnh; xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp, bảo đảm thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo đảm an toàn cho trẻ em phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. 100% trẻ mầm non tại cơ sở GDMN trên địa bàn tỉnh được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: trẻ nhà trẻ 218/15.293 chiếm 1,43%, giảm 0,05% so với cùng kì năm học trước; trẻ mẫu giáo: 712/61.442 chiếm 1,16%, giảm 0,1% so với cùng kì năm học trước. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi: trẻ nhà trẻ 283/15.293 chiếm 1,85%, giảm 0,02% so với cùng kì năm học trước; trẻ mẫu giáo 724/61.442 chiếm 1,18%, giảm 0,07% so với cùng kì năm học trước.
Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập cho trẻ 5 tuổi có 161/161 xã/phường/thị trấn, đạt tỷ lệ 100%; 10/10 huyện/thị xã/thành phố đạt, tỷ lệ 100%; tỉnh đạt PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục xây dựng môi trường giáo dục phù hợp, đổi mới việc tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo hướng lấy trẻ làm trung tâm; chú trọng xây dựng môi trường giáo dục nhằm tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo phù hợp với lứa tuổi; tổ chức sinh hoạt chuyên môn định kỳ hiệu quả, thiết thực; chú trọng việc thiết kế môi trường giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất trong lớp, ngoài trời hiện có.
Các nhà trường, thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử theo quy định; quản lý chất lượng bữa ăn tại trường/lớp đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo đảm cân đối, hợp lý về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và phù hợp với cá nhân trẻ, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giáo dục mầm non. bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng vào lớp 1 bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực; chế độ, chính sách cho trẻ em được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Phạm Nhuấn - Sở GDĐT